Màu bột - Ký Họa Màu bột


  Bài học đầu tiên cực kỳ quan trọng khi đi thực tế ở một nơi mới, đó là nhìn xung quanh. Nhiều sinh viên bỡ ngỡ, tìm kiếm những cảnh vật, đối tượng hoành tráng để thể hiện. Thế nên họ rất dễ tụt cảm hứng khi đi thực tế ở một địa điểm không có được nhiều địa điểm “lộng lẫy”. Không kể những sinh viên có sức khỏe, nhiều bạn yếu sức vẫn phải đi xa vài chục Km đường để tìm cho mình một góc vẽ hài lòng. Điều này góp phần giúp rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng, nhưng lại khiến sinh viên chưa phát huy được tính linh động trong cách nhìn của mình.



Khái niệm “ngồi một chỗ, nhìn xung quanh cũng đủ thứ để vẽ”, nghĩa là tìm thấy vẻ đẹp và khai thác tư liệu đáng giá ở khắp nơi, Điều này nhiều sinh viên Mỹ thuật có lẽ chưa nhận ra… và tôi bắt đầu khám phá những tính năng của màu bột.

Những bài tập ký họa với bột màu, đặc biệt ký họa phong cảnh là những cơ hội tuyệt vời để tôi vỡ lẽ ra nhiều điều và mê đắm với màu sắc. Mới nhìn, sự vật sự việc chỉ mang ngần ấy màu, tưởng như có thể gọi hết tên. Quan sát kỹ, người ta tìm thấy những sắc thái hòa lẫn tinh tế hơn. Bột màu mang yếu tố ngẫu nhiên, khi khô tương phản mạnh hơn, màu sắc nổi bật hẳn lên so với khi còn ẩm.

Thế là, trong lúc cố lập lại những màu sắc giản đơn mà cảm quan giới hạn của mình nhận thấy, tôi lại tìm thấy những kết quả mới sống động và ngọt ngào bất ngờ. Đối với phong cảnh hay đồ vật, không bị rào cản tâm lý như với đối tượng người (lúc bấy giờ trong tiềm thức của tôi, màu da người vẫn là một thứ phải được sao y bản chính, không được làm nhuận sắc), tôi tha hồ chơi đùa với những sắc màu mới đó, gặp vô số những thất bại lòe loẹt đáng chán, và dần dần quản lý tốt hơn màu sắc của mình. Tôi bắt đầu làm quen với khái niệm hơi nâng cái mình nhìn thấy lên một chút trong bài vẽ cho vừa mắt mình. Học được điều này khiến tôi thoải mái hơn rất nhiều trong việc thể hiện.

Điều tuyệt vời ở chất liệu bột màu là rẻ và khá sạch sẽ, có thể hòa trộn rất nhiều màu mà không sợ màu bị hỏng, lại mau khô dễ sửa nên tôi tha hồ tung tẩy vung cọ. Tôi có nghe đâu đó câu “Muốn vẽ bột màu đẹp thì ba-lét phải dơ”. Điều này khác  hẳn với những cách nghĩ xưa của tôi về trang trí, phải giữ ba-lét sạch và thay nước thường xuyên, với những kỹ thuật sử lý màu sắc và cảm hứng của mình  khiến tôi nhiệt tình áp dụng mau chóng. Vậy là tôi ít thay nước đi, nhiều khi lấy luôn cặn của nước rửa bút để vẽ - ra được những màu lạ mà ít người có thể pha được. Tôi thường để cho ba-lét bột màu của mình luôn mang hàng nghìn màu sắc chờ được đánh thức, làm lớp nền cho những tông màu mà tôi thêm vào sau đó. Không phải sợ màu bẩn, màu không đều, nét bút của tôi có thể thoải mái dần; Nhờ vậy mà tách được ra khỏi kiểu tô màu cho kín theo tư duy cũ.

Tôi cũng tập cách duy trì cảm hứng của mình. Tôi coi việc quản lý xúc cảm khi làm bài, tìm cách huy động cảm xúc theo hướng yêu cầu như một bài tập. Chính vì vậy tôi sẵn sàng sửa tranh theo gợi ý của giáo viên hướng dẫn hay những người bạn mà tôi tin tưởng vào cách nhìn. Để việc này hiệu quả, cách tốt nhất là thảo luận với giáo viên để thống nhất phương hướng, mục đích của tác phẩm (điều này tôi làm chưa tốt, vì rất ngại mở lời). Sau đó, trong quá trình làm bài, cố gắng khai thác những cảm xúc mới trong những gợi ý của giáo viên. Điều này rất thú vị, vì từ ý tưởng ban đầu đến kết quả cuối cùng có nhiều biến chuyển, và từ một đề tài ban đầu, khi được chia làm nhiều tầng bậc, mảng, hướng, đều có cái hay cái đẹp để khai thác thì cách nhìn cũng sẽ trở nên đa dạng hơn.

Đỗ Văn Huy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét